Giỏ hàng []
banner top

Làm gì để thoát nạn cửa cuốn khi cháy

Được đăng ngày 22/05/2014 | 08:33

Làm gì để thoát nạn cửa cuốn khi cháy



Vụ cháy nhà vừa xảy ra ở xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không lớn, cư dân lân cận đã phát hiện kịp thời, lực lượng chữa cháy đến không trễ, nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng khi 4 người bị thiệt mạng. Nhiều bạn đọc đề nghị Báo SGGP có thông tin hướng dẫn cụ thể về giải pháp thoát nạn trong đám cháy. Báo SGGP đã trao đổi với Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, về vấn đề này.


Làm gì để thoát nạn cửa cuốn khi cháy

Nên cắt một ô ở cửa cuốn làm ô cửa dạng như cửa lá sách để khi có sự cố dễ phá dỡ phần này và tiếp cận ngọn lửa.
 
- Phóng viên: Thưa ông, nhiều vụ cháy nhà có thiệt hại nhân mạng do nhà trang bị cửa cuốn nên khó thoát nạn và khó ứng cứu khi xảy ra cháy. Ông có ý kiến gì về việc này?
 
Đại tá TRẦN THANH CHÂU: Không ai phủ nhận tiện ích bảo vệ tài sản của cửa cuốn ở các công trình nhà ở, kho hàng, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… Tại các tầng hầm giữ ô tô, xe máy tại các cao ốc, cửa cuốn có tác dụng ngăn chặn cháy lan khi có sự cố. Tại các cửa hàng, kho hàng, công trình nhà ở, cửa cuốn đảm bảo an toàn tài sản. Nhưng đã có quy định không cho phép sử dụng loại cửa này cho lối thoát hiểm.
 
Qua một số vụ cháy gần đây ở TPHCM, cụ thể như vụ cháy ở Công ty Pou Yuen vừa qua, khi kho hàng sử dụng cửa cuốn, lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng như chuyên nghiệp khó tiếp cận ngọn lửa. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức kiểm tra và đề xuất các giải pháp khắc phục, sửa chữa. Đó là cắt một ô ở cửa cuốn để làm ô cửa dạng như cửa lá sách, gọi nôm na là cửa “mẹ bồng con”, để khi có sự cố sẽ dễ phá dỡ phần cửa lá sách và tiếp cận ngọn lửa. Đến nay, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện giải pháp này.
 
Rất tiếc là việc trang bị cửa cuốn tại công trình nhà ở lại không nằm trong quy chuẩn thẩm duyệt PCCC của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC. Do vậy, để an toàn PCCC, người dân cũng cần khẩn trương sửa lại cửa cuốn ở nhà mình có ô cửa lá sách. Sẽ tốn thêm một khoản kinh phí để cắt ô cửa làm thêm ô cửa lá sách, nhưng an toàn về nhân mạng và tài sản.
 
- Một số bạn đọc sinh sống trong các căn nhà lầu 3 - 4 tầng, muốn biết cách thoát nạn khi xảy ra cháy. Các nhà lầu có cần thiết trang bị công cụ thang dây, nệm hơi… để thoát hiểm không?
 
Trên trang web Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, các cán bộ chỉ huy đã có một số bài viết hướng dẫn, tư vấn khá tỉ mỉ về cách thoát nạn trong các sự cố cháy ở tòa nhà cao tầng làm văn phòng, trung tâm thương mại, khu vui chơi… cũng như công trình nhà ở. Người dân nên thăm trang web này để tham khảo các bài viết.
 
Về cơ bản, khi vào các cao ốc, chúng ta nên dành một ít thời gian để xem sơ đồ hướng dẫn thoát nạn. Dù khi xảy ra vụ việc thì các thiết bị, như còi, đèn báo sáng sự cố, bảng hướng dẫn lối về cầu thang thoát nạn... bật sáng, nhưng tình hình sẽ vô cùng hỗn loạn. Nếu chúng ta mất bình tĩnh, không làm chủ được bản thân thì tình hình sẽ rất phức tạp. Dù sự cố xảy ra ở đâu thì tình hình cũng đòi hỏi chúng ta phải vận động thật nhanh về vị trí an toàn, khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi khói và lửa.
 
Tương tự ở các công trình nhà ở cao 4 - 5 tầng thì đòi hỏi chúng ta càng bình tĩnh xác định vị trí cháy để có giải pháp vận động thích hợp. Chạy ra hành lang hay lên sân thượng đều an toàn. Vận động sang các nhà lân cận hay kêu cứu, ra tín hiệu để người dân sinh sống ở xung quanh đó phát hiện và có cách giải thoát an toàn. Hiện nay, các phòng cảnh sát PCCC hay các đơn vị nghiệp vụ đều được trang bị xe thang và phương tiện này hoạt động khá hữu hiệu trong công tác cứu người ở các nhà cao tầng.
 
Việc người dân tự trang bị các thiết bị cứu hộ, cứu nạn ở nhà cao tầng là cần thiết. Đây là tín hiệu tốt của việc xã hội hóa công tác PCCC. Hiện nay, có khá nhiều thiết bị để người dân lựa chọn như thang dây, thang dây thủy lực, nệm hơi, ống tuột… Tuy nhiên, người dân cần tham khảo với chúng tôi thật kỹ trước khi quyết định trang bị loại sản phẩm nào. Thực tế, qua các buổi diễn tập cũng như kiểm tra thì không phải ai cũng dám sử dụng các thiết bị nêu trên. Theo tôi, tại các nhà cao tầng, khi xây dựng người dân cần quan tâm đến việc bố trí cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài tòa nhà. Nếu các công trình chưa có cầu thang thoát hiểm thì người dân cần gấp rút khảo sát để xây dựng thêm ở vị trí thích hợp. Có thể sẽ mất thẩm mỹ một chút, nhưng theo tôi, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.

 
Nguồn : Báo Mới