Giỏ hàng []
banner top

Lạ kỳ chùa cổ lắp điều hòa, cửa kính khung nhôm

Được đăng ngày 02/06/2014 | 17:34

Lạ kỳ chùa cổ lắp điều hòa, cửa kính khung nhôm


Về chùa Cói ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc du khách vô cùng ngỡ ngàng trước tòa nhà hai tầng khang trang với điều hòa nhiệt độ, cửa  kính.
 
Những ngôi chùa lộng lẫy
 
Chùa Tùng Vân nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, là ngôi chùa cổ, lớn nhất huyện Vĩnh Tường, xây dựng cách đây 327 năm vào thời Vua Lê Huy Tông, được ghi vào danh mục di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964.
 
Chùa nổi tiếng với một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Những du khách từng đến chùa Tùng Vân trước năm 2008 đều không thể quên dáng vẻ cổ kính, rêu phong của chùa.
 
 
Lạ kỳ chùa cổ lắp điều hòa, cửa kính khung nhôm
Nhà thờ tổ chùa Cói gây bất ngờ cho khách viếng chùa
 
Thế nhưng giờ đây về với Thổ Tang, người ta hoàn toàn bất ngờ khi ngôi chùa cổ xưa giờ đã được xây dựng lại thành một ngôi chùa lộng lẫy. Toàn bộ ngôi chùa được nâng lên cao hơn 1m so với kết cấu cũ.
 
Các cột gỗ cũ được nối bởi các cột đá có chạm trổ điêu khắc. Nhiều cột đá mới được dựng lên cùng với các bệ thờ cũng được làm mới bằng đá có hoa văn điêu khắc chạm trổ công phu. Hệ thống tượng trong chùa phần lớn đã được sơn lại. Một bà vãi đang quét dọn chùa cho biết, tượng đất đã được sư thầy đập đi để thay bằng các tượng mới.
 
Từ cửa vào, phía bên phải chỉ cách đại điện khoảng 1m là dãy nhà vừa được xây mới với kết cấu hai tầng, cửa kính sang trọng, gara ô tô, phòng làm việc của sư trụ trì, phòng khách... Dãy nhà này làm cho chùa Tùng Vân hiện đại hơn nhưng lại làm mất đi cảnh quan thoáng đãng và cổ kính vốn có của một ngôi chùa cổ.
 
Chùa Cói thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên từng được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng là di sản văn hoá có giá trị ở Việt Nam năm 1939, cũng gây cho du khách nhiều bất ngờ khi đến thăm.
 
Năm 2009, đình Tây Hạ ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch xuống cấp nặng nề, trong thời gian chờ xin tu sửa, người dân đã phải chống đỡ tạm bằng cây. Trong khi ở xã Đồng Văn thì cả 3 di tích cấp quốc gia là đình Hùng Vỹ, chùa Tiền Môn, chùa Đại An đều chưa xuống cấp đến mức phải dùng cây que chống sập nhưng vẫn tự ý làm mới.
 
Bên cạnh tam quan và tam bảo cổ kính lưu dấu ấn thời gian là sừng sững một tòa nhà hai tầng với kết cấu hiện đại, có lắp máy điều hòa và trang bị khung nhôm, cửa kính và đèn điện có kiểu dáng châu Âu. Sẽ chẳng ai có thể tin rằng đây chính là nhà thờ tổ nhỏ bé nhưng trang nghiêm và dày trầm tích văn hóa mà họ từng được chiêm ngưỡng trong quá khứ chưa xa.
 
Các vãi trông chùa phấn khởi cho chúng tôi biết, thời gian tới, khi có đủ kinh phí, nhà chùa sẽ tiếp tục cho xây lại tam bảo thành hai tầng cho tương xứng với nhà thờ tổ.
 
Không thể lấy lý do "chữa cháy"
 
Không chỉ bất ngờ với Tùng Vân và chùa Cói, trong chuyến đi này, NTNN còn dừng chân ở chùa Đại An - một di tích cấp quốc gia ở thôn Báo Văn, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.
 
Chùa Đại An là một di tích văn hóa nghệ thuật tôn giáo, là nơi thờ Phật theo phái đại thừa, được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê - thế kỷ 18 và được trung tu lớn vào năm 1865 (triều Nguyễn), có giá trị về kiến trúc và đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua hệ thống tượng pháp và kỹ thuật chạm trổ trên gỗ. Tuy nhiên năm 2009, toàn bộ kiến trúc cổ của chùa Đại An đã bị xóa bỏ, thay vào đó là kết cấu bê tông.
 
Dù chỉ mới có tờ trình của UBND xã và UBND huyện, chưa có ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nhưng chính quyền địa phương vẫn tiến hành cho xây lại chùa và không tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa cũng như các quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa đã được ban hành.
 
Ông Nguyễn Văn Nhặt - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - cho biết: "Kinh phí để xây dựng lại chùa Đại An lên đến hơn 700 triệu đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp. Vì sợ chùa xuống cấp dẫn đến đổ sụp nên chính quyền đã quyết định cho thi công trước khi được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền. Hiện chúng tôi còn hai di tích cấp quốc gia là đình làng Yên Lạc và đền làng Đồng Lạc cũng đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn kinh phí sửa chữa".
 
Trao đổi với NTNN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diện - Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: "Không thể cứ lấy lý do "chữa cháy" vì sợ di tích xuống cấp, sụp đổ để tùy tiện xây mới hay sửa chữa.
 
Trước đây, dù các di tích có xuống cấp nghiêm trọng thì các địa phương có di tích cũng không dám tự tiện dỡ bỏ và xây lại khi chưa được cấp phép. Điển hình như Lập Thạch, năm 2009, đình Tây Hạ xuống cấp nặng nề, trong thời gian chờ xin ý kiến Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, người dân đã phải chống đỡ tạm bằng cây que”.
 
Trước tình hình như hiện nay, bà Diện lo ngại rằng các di tích đã và chưa được xếp hạng trong tỉnh cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử rồi sẽ dần biến mất theo thời gian và sự tùy tiện của những người làm quản lý ở cơ sở. Đây sẽ là một sự mất mát, thiệt thòi lớn cho đất nước và các thế hệ sau.